Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2016

Ý nghĩa đèn báo thông dụng ở trên xe hơi

Bảng đồng hồ đóng vai trò như là "người phiên dịch" giữa xe với người lái, giúp họ có thể cập nhật được tình hình của chiếc xe cũng như cảnh báo về các vấn đề kỹ thuật có thể xảy ra. Giống như ô tô ngày càng phát triển, theo thời gian bảng đồng hồ cũng ngày càng hiện đại hơn, biến đổi từ những bóng đèn sợi đốt tới đèn LED và được "số hoá" hoàn toàn trên nhiều chiếc xe mới.

Bài viết dưới đây sẽ chỉ cho bạn cách đọc một số đèn báo phổ biến nhất trên bảng đồng hồ xe hơi.

Do xe hơi ngày càng được trang bị nhiều hệ thống hiện đại và phức tạp nên số lượng các đèn báo cũng ngày một tăng lên. Ngoài ra, ý nghĩa của từng biểu tượng khác nhau cũng có sự đa dạng cao, do các hãng xe đã biến đổi chúng trên từng dòng xe cụ thể. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ chỉ giới thiệu những biểu tượng đèn báo thông dụng nhất, được sử dụng chung bởi nhiều hãng xe trên Thế giới. Tuy nhiên, danh sách này cũng chỉ có tính tương đối, do số lượng các đèn báo với chức năng tương tự có thể dễ dàng vượt quá con số vài trăm nếu như liệt kê hết!

1 - Đèn báo hệ thống ABS: tự động bật sáng mỗi lần hệ thống chống bó cứng phanh xảy ra sự cố, Cần lưu ý rằng khi vặn chìa khoá khởi động xe, đèn này sáng nhưng sẽ tự động tắt sau vài giây.
2 - Cảnh báo hết nhiên liệu: Đúng như tên gọi của nó, đèn này sẽ sáng khi lượng nhiên liệu trong bình ở mức rất thấp
3 - Cảnh báo thắt dây an toàn: Biểu tượng này sẽ sáng khi khởi động xe, và sẽ không tắt cho tới khi người lái và hành khách thắt dây an toàn. Tuỳ vào từng dòng và từng hãng xe cụ thể, tiếng báo hiệu có thể được bật lên cùng đèn.
4 - Cảnh báo vấn đề về điện: Đèn này sẽ sáng khi hệ thống điện của xe gặp trục trặc.

5 - Cảnh báo hệ thống phanh: Đèn này sáng lên khi máy tính trung tâm của xe phát hiện một lỗi nào đó liên quan đến hệ thống phanh.
6 - Đèn cảnh báo chung: Cho người lái biết được rằng chiếc xe đang bị trục trặc nhưng không tự phát hiện được lỗi. Thông thường bạn sẽ phải đưa xe đi bảo dưỡng để có thể phát hiện chính xác lỗi.
7 - Thông báo ghế ngồi cho trẻ: Sáng lên khi bạn lắp loại ghế ngồi cho trẻ em đúng tiêu chuẩn.
8 - Cảnh báo áp suất lốp: Được bật lên nếu lốp xe bị non.

9 - Cảnh báo lọc khí: Thường thấy ở bảng điều khiển trung tâm nhưng cũng có thể xuất hiện trên bảng đồng hồ, đèn này thông báo cho bạn biết rằng hệ thống lọc khí điều hoà đang làm việc không đúng như thiết kế ban đầu.
10 - Túi khí trước: Chỉ ra rằng hệ thống túi khí trước đang bị lỗi và cần phải được đem tới xưởng bảo dưỡng để khắc phục.
11 - Túi khí bên: Công dụng tương tự như đèn cảnh báo túi khí trước, nhưng dành cho túi khí bên.
12 - Cảnh báo ghế ngồi cho trẻ em: Cho biết rằng ghế ngồi cho trẻ em chưa được lắp đặt đúng, tương tự như số 7 nhưng được sử dụng bởi một số hãng xe khác.

13 - Thông báo đèn sương mù: Biểu tượng này sẽ được kích hoạt và sáng mãi chừng nào người lái còn bật đèn sương mù.
14 - Thông báo gạt nước: Cho người lái biết rằng gạt nước đang hoạt động.
15 - Cảnh báo hệ thống đèn: Nếu có bất kỳ một đèn nào trên xe bị hỏng, đèn này sẽ sáng.
16 - Hệ thống sưởi kính sau: Được bật lên khi hệ thống sưởi kính sau đang hoạt động, giúp cho kính sau không bị đọng hơi nước gây ảnh hưởng tới tầm nhìn.

17 - Cảnh báo ghế ngồi cho trẻ em: Tương tự như số 12.
18 - Cảnh báo dầu phanh: Hiếm khi xuất hiện trên bảng đồng hồ, đèn báo này cho biết rằng dầu phanh sắp cạn hoặc hệ thống dẫn dầu có vấn đề.
19 - Cảnh báo ắc quy: Đèn này sáng lên khi bạn đang lái xe chứng tỏ rằng hệ thống sạc ắc quy đã bị trục trặc.
20 - Thông báo khóa trẻ em: sáng lên khi hệ thống khoá trẻ em được bật.

21 - Cảnh báo khẩn cấp: Sáng lên khi người lái bấm vào nút báo hiệu dừng khẩn cấp với biểu tượng tương tự trên bảng điều khiển trung tâm.
22 - Thông báo hệ thống điều khiển hành trình (Cruise Control): Sáng lên nếu hệ thống Cruise Control được kích hoạt. Lưu ý rằng biểu tượng có thể có một chút thay đổi, tuỳ vào từng hãng xe khác nhau.
23 - Hệ thống sưởi kính trước: Tương tự như số 16, nhưng thông báo cho kính trước.
24 - Cảnh báo hệ thống lái: Đèn này thông báo rằng đang có hư hỏng xảy ra ở hệ thống lái của xe, và cần phải được sửa càng sớm càng tốt.

25 - Cảnh báo hệ thống ổn định điện tử (ESP): Cho người lái biết rằng chiếc xe đang bị trượt bánh hoặc hệ thống ESP bị tắt.
26 - Cảnh báo cửa mở: Bật sáng khi khởi động xe, và sẽ cảnh báo cho người lái biết rằng một trong các cửa của xe chưa được đóng chặt.
27 - Hệ thống chống trộm: Đèn này chỉ có trên các xe của hãng Ford, và sẽ nháy một lần khi hệ thống chống trộm Securilock được bật.
28 - Hệ thống điều khiển ga điện tử: Bật một lúc khi người lái khởi động xe, đèn này chỉ ra rằng hệ thống điều khiển ga điện tử gặp sự cố.

29 - Thông báo hệ thống dẫn động 4 bánh: Chỉ xuất hiện trên những chiếc xe được trang bị hệ thống dẫn động 4 bánh có khả năng đổi cầu chủ động, đèn này cho biết xe đang ở chế độ dẫn động 4 bánh.
30 - Cảnh báo hệ thống ESP/BAS: Chỉ xuất hiện trên xe Mercedes hoặc một số dòng xe Chrysler/Jeep, đèn này thông báo rằng hệ thống ổn định điện tử/hệ thống hỗ trợ phanh có vấn đề.
31 - Thông báo hệ thống vượt: Cho người lái biết rằng hệ thống hỗ trợ vượt của xe đã được tắt.
32 - Đèn xi-nhan: Đèn báo được nhiều người biết đến nhất trong xe ô tô, sẽ nháy sáng chừng nào đèn xi-nhan vẫn được bật.

33 - Cảnh báo nhiệt độ: Đèn này sáng lên chứng tỏ rằng động cơ đang bị nóng quá, và người lái cần phải dừng xe lại để máy nguội bớt.
34 - Cảnh báo OBD: OBD, viết tắt của từ Onboard Diagnostics là hệ thống đọc lỗi của xe. Đèn này sáng lên chứng tỏ rằng động cơ, hệ thống xả hoặc một số chi tiết khác của xe đã bị trục trặc; người lái cần phải đi bảo dưỡng càng sớm càng tốt.
35 - Đèn pha: Sáng lên khi người lái bật đèn pha.
36 - Cảnh báo áp suất dầu: sáng lên nếu ECU của e phát hiện áp suất dầu ở mức bất thường, chủ xe tốt nhất nên đưa xe đi kiểm tra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét